Siêu Tính - Sieutinh.com

Mẹo giúp cha mẹ ngăn ngừa béo phì ở trẻ em

Ở những nước phát triển với điều kiện sinh sống tốt, số lượng trẻ em bị béo phì đang ngày càng tăng lên trong hai thập kỷ gần đây. Việt Nam đang là quốc gia phát triển với tiêu chuẩn sống ngày càng tăng cao. Các hộ gia đình từ trung bình đến khá đã có khả năng cung cấp cho trẻ môi trường sinh trưởng đầy đủ. Nhưng điều đó cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ bị béo phì ở Việt Nam. 

Kết quả điều tra năm 2014 - 2015 cho thấy tỷ lệ trẻ béo phì ở TP.HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Việt Nam đã trở thành nước có tốc độ gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em cao nhất Đông Nam Á. 

Thực thế, đây cũng là một xu hướng trên thế giới. Vậy đâu là nguyên nhân? Những hệ quả lâu dài về sức khỏe và giải pháp cho cha mẹ để ngăn ngừa béo phì ở trẻ em là gì? Hãy cùng Siêu Tính tìm hiểu nhé!

Khi nào trẻ được xem là béo phì?

Cha mẹ có thể chuẩn đoán tình trạng béo phì của con bằng cách tính chỉ số BMI cho trẻ em . Khác với chỉ số BMI thông thường, chỉ số BMI của trẻ em sẽ phụ thuộc vào tuổi và giới tính, do đó, cần có một biểu đồ đo đạc riêng để so sánh tỷ lệ BMI và đưa ra kết luận. 

Tác hại khi trẻ bị béo phì

Béo phì có thể gây tác hại không chỉ đến sinh lý mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trẻ có ngoại hình thừa cân sẽ dễ dàng bị bắt nạt và trêu chọc hơn so với bạn bè. Từ đó, việc bị cô lập, trầm cảm, tự ti sẽ xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về trí não. 

Trẻ béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, ngưng thở khi ngủ, đau xương khớp, tiểu đường tuýp 2.

Trẻ bị béo phì dễ mắc bệnh mãn tính hơn

Trẻ bị béo phì dễ mắc bệnh mãn tính hơn

Bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ thừa cân đang tăng lên trong những năm gần đây. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và suy thận.

Bệnh béo phì ở trẻ em là nguyên nhân gây ra bệnh tim so với với các bé cùng lứa ở cân nặng bình thường. Các chứng bệnh bao gồm huyết áp cao và cholesterol cao. Trong một mẫu nghiên cứu trẻ từ 5 đến 17 tuổi, gần 60% trẻ thừa cân có ít nhất một chứng bệnh liên quan đến tim mạch và 25% có hai hoặc nhiều hơn.

Cha mẹ thường nhận định sai rằng bệnh béo phì ở trẻ em sẽ biến mất khi trưởng thành. Sự thật hoàn toàn ngược lại, khả năng bệnh béo phì vẫn sẽ diễn ra sau khi trẻ lớn lên. Nguyên nhân là vì thói quen sinh hoạt từ nhỏ sẽ khiến trẻ tiếp tục tăng cân và thậm chí khó từ bỏ chế độ ăn nhiều calo, chất béo so với người lớn chưa có tiền sử béo phì từ nhỏ. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần suốt đời. Béo phì ở người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và nhiều loại ung thư cao hơn.

Cha mẹ cần làm gì để ngăn ngừa béo phì ở trẻ em?

Sự cân bằng về chỉ số calo hấp thụ vào cơ thể và lượng calo tiêu hao từ vận động và tăng trưởng là yếu tố quyết định.

Cha mẹ hãy nhớ rằng mục tiêu cuối cùng là giúp trẻ giảm tỷ lệ tăng cân mà vẫn giữ được sự phát triển bình thường và khỏe mạnh. Do đó, KHÔNG NÊN áp dụng chế độ ăn kiêng trước khi hỏi ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng.

Cân bằng lượng calo qua chế độ ăn uống lành mạnh

Một phần của việc cân bằng calo là ăn những món cung cấp vừa đủ năng lượng và dưỡng chất. Cha mẹ có thể giúp trẻ học cách nhận biết những món ăn giàu chất xơ, vitamin, từ đó phát triển thói quen ăn uống khỏe mạnh. Thức ăn nhiều rau củ, trái cây có vẻ không được ưa thích bởi nhiều bé, do đó, cha mẹ nên tìm hiểu những công thức làm món ăn vừa ngon vừa cân bằng, giúp làm giảm ham muốn các món chiên xào nhiều dầu mỡ. 

Chìa khóa của việc ăn uống lành mạnh là nó nên bắt nguồn từ thói quen gia đình. Cả nhà nên có một thực đơn chung về việc ăn uống nhiều rau củ, trái cây, hạt ngũ cốc, …. Tránh nấu các món ăn riêng theo sở thích của bé trong giai đoạn đầu để thói quen dần hình thành. 

  • Sử dụng rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt làm nguyên liệu chính.
  • Đi cùng đó là sữa ít béo hoặc không béo.
  • Sử dụng thịt nạc, cá, thịt ức gà, các loại đậu làm nguồn cung protein.
  • Phân chia khẩu phần hợp lý.
  • Khuyến khích gia đình uống nhiều nước lọc.
  • Giảm lượng đường trong thức uống giải khát như nước ép, soda,…
  • Giảm sản phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa (thay vào đó tăng tiêu thụ cá, đậu để có lượng chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe).

Giúp trẻ làm quen với các nguyên liệu tốt cho sức khỏe

Giúp trẻ làm quen với các nguyên liệu tốt cho sức khỏe

Lưu ý: Cha mẹ cần có sự kiên nhẫn. Hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ, thêm một ít rau, bớt một ít bánh ngọt. Thói quen lâu ngày sẽ rất khó thay đổi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Do đó hãy dành cho trẻ nhiều thời gian để hình thành thói quen mới, trung bình sẽ mất khoảng từ 3-6 tháng.

Tìm cách làm cho món ăn bé thích trở nên lành mạnh hơn

Đôi khi, những bữa ăn đầy rau củ sẽ gây chán nản cho trẻ. Cha mẹ hãy thưởng cho bé món yêu thích sau khi chúng đã vượt qua chặng đường thay đổi gian nan. Nhưng lần này, món ăn nên có sự điều chỉnh nho nhỏ. Bằng cách thêm một ít gia vị rau củ, giảm lượng đường hoặc thay thế bằng chất tạo ngọt, món ăn yêu thích đã trở nên tốt cho sức khỏe hơn rất nhiều. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi trong vô thức khi bé đã làm quen với sự đổi mới. Trẻ em sẽ có tâm thế chào đón những thứ mới mẻ khi sự thay đổi đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng.

Hãy thêm một ít trái cây, rau củ để giúp món ăn lành mạnh hơn 

Loại bỏ ham muốn đồ ngọt, béo

Mặc dù các món ăn nhiều năng lượng có thể được thưởng thức ở lượng vừa đủ và không gây tác hại đáng kể. Việc giảm bớt khẩu phần của chúng sẽ là nền tảng để giúp trẻ thay đổi thói quen ăn uống. Thay vì giữ các món bánh nhiều chất béo, bánh khoai tây đậm đà gia vị trong thực đơn mới, hãy loại bỏ chúng hoàn toàn. Hãy chỉ để những món ăn trên xuất hiện trong các dịp đặc biệt như là phần thưởng của chúng. 

Cha mẹ có thể tham khảo thực đơn dưới đây:

  • 1 quả táo cỡ trung.
  • 1 trái chuối cỡ trung.
  • 1 cốc quả việt quất (một cốc = 230g).
  • 1 cốc nho tươi.
  • 1 cốc cà rốt, bông cải xanh, ớt chuông và 2 thìa hummus.

Giúp trẻ năng động hơn

Việc tiếp theo cần làm là giúp trẻ tham gia vào hoạt động vật lý phù hợp và tránh thời gian rảnh rỗi. Những lợi ích mà vận động đem lại:

  • Chắc khỏe xương.
  • Giảm huyết áp.
  • Giảm stress.
  • Gia tăng sự tự tin.
  • GIúp quản lý cân nặng tốt.

Trẻ em nên có ít nhất 60 phút vận động mỗi ngày. Nên nhớ rằng trẻ thường bắt chước người lớn. Do đó, cha mẹ hãy bắt đầu thêm một hoạt động thể thao vào thời gian biểu của mình và khuyến khích trẻ tham gia cùng.

Hãy khuyến khích trẻ tập thể dục cùng với bạn

Hãy khuyến khích trẻ tập thể dục cùng với bạn

Cha mẹ có thể thêm một trong những hoạt động sau:

  • Đi bộ nhanh
  • Chơi rượt đuổi
  • Nhảy dây
  • Đá banh
  • Bơi lội
  • Nhảy múa

Nguyên nhân trẻ bị béo phì đến từ quãng thời gian rảnh không vận động. Bằng việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động trên với cha mẹ, thói quen mới sẽ dần thay thế các quảng thời gian xem tivi, chơi điện tử, lướt internet. Cha mẹ có thể lập ra một thời gian biểu giúp bé phân bổ thời gian vào các hoạt động hợp lý. Thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử không nên quá 2 tiếng mỗi ngày. Nếu có thể, hãy để chúng tránh xa màn hình điện tử càng lâu càng tốt, viện Khoa Nhi Hoa Kỳ không khuyến khích để trẻ trước 2 tuổi tiếp xúc với tivi.



Ngày đăng 14-07-2020

Chủ đề: